top of page

MẮC KẸT GIỮA NHỮNG SỰ LỰA CHỌN - CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG TÂN SINH VIÊN NÀO!


“Tôi nên tập trung 100% vào học tập thôi, hay nên đầu tư thêm thời gian cho những trải nghiệm khác? Và giữa việc làm thêm với các hoạt động ngoại khóa như Câu lạc bộ, tôi nên ưu tiên điều gì, hay cả hai?”


Đọc những lời này, bạn có cảm thấy bản thân đã bắt gặp câu hỏi tương tự này ở đâu đó, hoặc là từ chính mình không? Đây quả thực là một nỗi băn khoăn “bất hủ”, một nỗi niềm cũ mà chưa bao giờ “lỗi thời”.


Có rất nhiều hướng phát triển khác nhau. Tuy nhiên, mọi người chủ yếu sẽ thường bị chững lại giữa ngã ba lựa chọn: Học tập - Câu lạc bộ - Làm thêm. Không xác định được rõ mục tiêu và lập kế hoạch từ đầu sẽ khiến ta trở thành vị lữ khách tay không - không bản đồ, không la bàn,... Nhưng có mấy ai thực sự biết mình muốn gì và nên làm gì ngay từ ban đầu? Có bao nhiêu bạn trẻ tìm kiếm ra kim chỉ nam kịp thời trước mỗi hành trình?


BEC hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào giải tỏa được trăn trở này, dù một ít cũng được!


1. HỌC


Không ai có thể phủ nhận được quyền lực của những tấm bằng Đại học hay những chứng chỉ, học bổng, thành tích học bá. Rõ ràng, nếu ngang bằng về các điều kiện khác, một sinh viên có GPA cao hơn chắc chắn sẽ tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng hơn, từ đó tiếp cận được nhiều cơ hội hơn. Đầu tư vào tri thức không bao giờ là nlã phí hay vô nghĩa, chăm chỉ và gắng sức học tập thực sự giúp ta ưu tú hơn rất nhiều.


Thế nhưng, chỉ thế thôi vẫn chưa đủ, nhất là đối với sinh viên khối ngành Kinh tế - môi trường đòi hỏi thực hành hơn lý thuyết. Không ai dám đảm bảo được rằng CHỈ những kết quả ngất ngưởng ấy chắc chắn biến bạn trở thành hình mẫu mơ ước, lý tưởng của chính bạn... Bởi vì, học giỏi có thể là một trong những lợi thế cạnh tranh rất tốt, tuy nhiên, lại không phải là yếu tố tiên quyết duy nhất để quyết định sự thành công một ai. Có thể ta là một sinh viên xuất sắc, nhưng thiếu đi những kỹ năng quan trọng khác, ta vẫn sẽ dễ dàng vụt mất cơ hội vào tay một ứng cử viên khác.

Tóm lại, việc học thực sự quan trọng, không nên lơ là bỏ bê và lãng phí tiền bạc mà ba mẹ vất vả làm để chu cấp cho việc học chúng ta. Đặc biệt, đối với những bạn có ý định du học hoặc mong muốn giành học bổng để giảm gánh nặng gia đình, phấn đấu đạt GPA cao lại càng cần thiết. Còn nếu muốn dành thời gian cho những mục tiêu khác, tối thiểu ta nên duy trì GPA 3.0/4.0 hoặc 7.0/10, đồng thời tích cực tham gia các cuộc thi để “nâng cấp” kinh nghiệm cũng như giữ chiếc CV sáng giá.


2. LÀM THÊM


“Tôi muốn sống tự lập”, “Tôi muốn tự chủ tài chính”, “Tôi không muốn dựa dẫm vào bố mẹ”, “Trải nghiệm nhiều để có nhiều kinh nghiệm”, “Tôi muốn thử nhiều công việc để chọn ra ngành nghề phù hợp nhất”, “Tôi đi làm vì abcdxyz”,... Trên đây chỉ là một vài trong số hàng ngàn lí do vì sao nhiều bạn muốn đi làm thêm sớm, thậm chí từ đầu năm Nhất, khi chỉ mới chập chững bước vào một môi trường mới. Nhìn tổng thể, trang trải cho gia đình và thực tập lấy kinh nghiệm sẽ là hai nguyên nhân lớn nhất.


Hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn trẻ phải đi làm thêm nhằm san sẻ kinh tế với bố mẹ. Đây là trường hợp không quá xa lạ và cũng dễ hiểu. Nó có thể xuất phát từ nhu cầu gia đình, hoặc từ ý thức các bạn, hoặc cả hai. Dù ở khía cạnh nào, các bạn cũng nên hết sức cẩn trọng lựa chọn công việc đạt được mục đích làm ra thu nhập mà vẫn phải phù hợp với sức lực, thời gian và việc học,...Tự ép bản thân quá mức mà gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập là điều không nên.

Trường hợp lớn thứ hai chính là không vì điều kiện kinh tế và muốn “xông pha internship” để phát triển. Xét ở góc độ tích cực, lợi ích của việc đi làm thêm chính là thu nhập và kinh nghiệm. Điều này sẽ làm CV của mình nổi bật và ấn tượng, từ đó ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, đổ mồ hôi công sức làm việc khiến ta biết trân trọng giá trị của đồng tiền, giá trị lao động của bản thân, gia đình và cả mọi người xung quanh. Ngoài ra, trải nghiệm nhiều công việc cho ta cơ hội khám phá bản thân ở nhiều lĩnh vực, nhờ vậy mà dễ dàng và sớm xác định được điểm mạnh, đam mê thực sự để theo đuổi lâu dài trong tương lai.


Nhìn nhận ở lăng kính “bớt hồng” hơn, lỡ một chút không tỉnh táo, ta sẽ dễ sa vào những nguy cơ về lừa đảo, cám dỗ, quỵt lương, đa cấp, thậm chí bị dụ dỗ vào những tệ nạn xã hội,....Vì vậy, phải hết sức cẩn trọng, sáng suốt và hỏi xin lời khuyên, tham vấn từ người thân để có thể tận dụng được ưu điểm của việc làm thêm và tránh khỏi những cái bẫy được che đậy khéo léo. Mặt khác, ngoại trừ những công việc gia sư,... để kiếm thu nhập, tìm việc đúng chuyên ngành ở Năm 1,2 không hề đơn giản. Công việc toàn thời gian rất khó vì ta vẫn còn phải lên giảng đường, công việc bán thời gian đủ “xịn” để ta trau dồi những thứ như kì vọng thì cũng rất hiếm. Nhiều bạn bị vỡ mộng vì những công việc ấy chỉ xoay quanh giấy tờ, bàn giấy, nhập liệu (do còn nhỏ, đa số mọi người thường đánh giá rằng chuyên môn ta chưa cao và không tin tưởng để giao việc sâu hơn). Điều này hạn chế cơ hội được học hỏi và trải nghiệm không nhỏ.


Nói chung, nếu không quá khó khăn về tài chính, ta nên tập trung vào học hành và phát triển kỹ năng lẫn tư duy trong 2 năm đầu thay vì đi làm. Chúng ta sẽ có cả đời để làm việc, còn điểm số, thi cử, những hoạt động ngoại khóa như Câu lạc bộ, cơ hội ấy thì lại chỉ đến trong thời sinh viên mà thôi.


3. CÂU LẠC BỘ


Lúc nào cũng có tasks, luôn trong tình trạng bị deadline dí, mất ăn mất ngủ vì chìm trong những dự án của Câu lạc bộ, lại còn cả những mâu thuẫn, tranh cãi trong quá trình làm việc,...? Hầu hết ai trong một Câu lạc bộ, tổ chức sinh viên nào cũng đã ít nhất một lần rơi vào những cảnh tượng này, còn các em, các bạn ở ngoài thì từng nghe những lời than như vậy từ người trong cuộc. Tham gia Câu lạc bộ, công việc và trách nhiệm là điều khó tránh khỏi, những tranh luận cũng “cần phải” phát sinh để đưa ra được những phương án chất lượng nhất. Ban đầu, nhiều bạn có thể bị choáng ngợp vì chưa thích ứng kịp, dễ mất cân bằng học tập, tệ hơn là cuộc sống cũng bị đảo lộn.


Tuy nhiên, dần dần làm quen được, ta sẽ nhận ra vô vàn giá trị. Trước tiên, tham gia Câu lạc bộ mang đến nhiều cơ hội để ta tự nhận thức về điểm mạnh, điểm yếu và khám phá những tiềm năng của bản thân, từ đó có định hướng xây dựng kế hoạch phát triển sở trường đó. Thứ hai, ta không chỉ được học thêm nhiều kỹ năng mềm còn thiếu mà còn rèn luyện và cải thiện những kỹ năng có sẵn. Làm việc nhóm là điều thiết yếu trong mọi công việc, ngành nghề, lĩnh vực. Thứ ba, Câu lạc bộ tạo điều kiện để ta kết nối với mọi người, gặp gỡ, làm việc, kết nối và xây dựng mối quan hệ sẽ hỗ trợ ta rất nhiều ở hiện tại lẫn tương lai. Thứ tư: kinh nghiệm thực tế trong một môi trường an toàn. Trong Câu lạc bộ, ta được “thử” cách sử dụng các kỹ năng như quản lý dự án, lập kế hoạch sự kiện,... và có quyền phạm sai lầm. Mọi người đều ở đây để hỗ trợ ta. Cuối cùng, cho nhà tuyển dụng thấy rằng ta đã tham gia một tổ chức sinh viên, họ sẽ biết rằng ta đang làm việc chăm chỉ và có thể xử lý nhiều trách nhiệm. Cuối cùng, vui chơi. Gặp gỡ những người mới, kết bạn mới, có một ngôi nhà chung thứ hai và tham gia các hoạt động sẽ giúp ta tận dụng tối đa trải nghiệm thời sinh viên, để lại dấu ấn lưu giữ những năm tháng Đại học nhiệt huyết, sôi sục.

Tại sao nhiều người sẵn sàng cống hiến hết mình cho các dự án, các hoạt động ngoại khóa, Câu lạc bộ như vậy? Điều đó có thực sự xứng đáng không? Sẽ không ai dám khẳng định đúng hoặc sai. Nó còn tùy vào cảm nhận và trải nghiệm từng người. Mỗi cá nhân là những cá thể riêng biệt, có hoàn cảnh, tính cách, sở thích, quan điểm, thái độ, cách làm việc,... khác nhau. Vì vậy, sự phù hợp hay “culture fit”, là điều rất quan trọng quyết định cảm giác và bài học, kết quả của việc tham gia Câu lạc bộ. Về sai nhà, ta sẽ khó để có được những quãng thời gian đẹp, bổ ích. Còn một khi đã chọn đúng nhà, ta sẽ không kể xuể những thứ tuyệt vời mà ta có thể nhận được ở nơi đây - những điều ta phải trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận, những điều không thể nói suông giải bày bằng đôi ba dòng được.


Tuổi trẻ tươi đẹp nhất không thể thiếu những năm tháng Đại học. Và thanh xuân ấy rực rỡ đến mức nào phụ thuộc vào chúng ta. Bản thân mỗi người sẽ có những quyết định phù hợp nhất cho chính mình. Học, làm thêm hay Câu lạc bộ? Thường thì chỉ nên chọn 2/3, nếu có khả năng thì có thể làm cả 3 nhưng hãy chắc rằng bạn có đủ thời gian, quyết tâm và khả năng đảm đương tốt ở cả 3 mảng. Mỗi người sẽ có cho mình một lối đi phù hợp nhất với bản thân. Vì vậy việc đầu tiên cần làm là xác định rõ ràng mục tiêu và ưu tiên của chính mình. Sau đó bạn sẽ có thể xác định được hướng đi tối ưu nhất cho kế hoạch phát triển bản thân. Ngoài ra, cần biết sắp xếp sự ưu tiên hợp lý và quản lí thời gian để cân bằng cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Chúc mọi người sẽ đưa ra quyết định đúng đắn và thành công trên con đường ấy!



bottom of page